Khang (VN)

  • Vietnamese

Học viên trẻ: Đột phá trong tu luyện cá nhân

Con xin cảm tạ Sư phụ đã cho cho con cơ hội được tu luyện trong Đại Pháp. 

Xin chào các bạn đồng tu

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Pháp Luân Đại Pháp năm 2020 tôi xin chia sẻ cùng mọi người quá trình đắc Pháp và những thụ ích từ việc tu luyện của cá nhân tôi. 

  1. Quá trình đắc Pháp

Là một đệ tử trẻ sinh năm 1992, đến năm 2017 tôi mới biết đến Đại Pháp qua một người thân. Trước đó là chuỗi ngày sống không mục tiêu. Tôi chìm đắm trong cuộc sống của người thường, và hoàn toàn bị vây hãm bởi danh, lợi, tình. Vì muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn nên tôi nỗ lực làm việc và sớm đạt được một số thành công so với bạn bè cùng trang lứa. Đây cũng là bắt đầu cho những vấp ngã tiếp theo. 

Khi bắt đầu kiếm được tiền thì tôi tự cho phép mình tận hưởng bằng các buổi tụ họp và các trò chơi không lành mạnh. Khi bắt đầu chán ngán những trải nghiệm không tốt đẹp đó và thân thể có dấu hiệu rệu rã tôi nằm suy nghĩ về cuộc đời của mình và tự hỏi có phải đây là cuộc sống mà mình mong muốn?

Đến một ngày tôi nhận được sách Chuyển Pháp Luân từ người anh trai. Tuy nhiên, tôi chỉ luôn mang sách theo bên mình suốt cả một tháng mà không thể nào mở ra đọc được, dù cho trong tâm tôi rất muốn đọc sách. Mãi đến sau này tôi mới biết đến lớp học chín ngày, và tôi đã ngay lập tức tham gia dù cho lúc đó công việc rất bận rộn. Suốt chín ngày của khóa học tôi ngủ mê man hơn hai phần ba thời lượng mỗi bài giảng. Có lúc tôi ngáy rất to, anh bên cạnh phải kéo áo để tôi tỉnh táo. Tôi đã cố gắng để thức bằng cách uống nước tăng lực, uống cafe hay ngủ nhiều hơn vào buổi chiều nhưng tất cả các phương thức tôi sử dụng đều vô dụng. Sau này tôi hiểu ra rằng trong đầu não tôi có nhiều thứ không tốt nên Sư phụ đã vì tôi mà thanh lý chúng đi. 

Tôi nhớ rất rõ là tôi chỉ gọi Sư phụ là Thầy vì cho rằng gọi là Thầy là được rồi, gọi Sư phụ nghe không thân quen lắm. Nhưng không hiểu sao sau khi nghe xong bài giảng thứ ba trên đường về tôi lại buột miệng gọi là Sư phụ khi nói chuyện với một học viên khác. Lúc bấy giờ trong lòng tôi dâng lên một sự tôn kính vô cùng khi gọi Người là Sư phụ. Từ ngày đó tôi cũng hiểu ra rằng mình sẽ quyết tâm theo Sư phụ tu luyện cho đến cùng và sẽ không bao giờ bỏ cuộc. Dù cho lúc đó tôi vẫn chưa hiểu rõ tu luyện là gì nhưng trong lòng lại khởi lên một tín tâm mạnh mẽ. 

  1. Bắt đầu tu luyện và thực sự hiểu được tu luyện là gì!

Sau khi kết thúc khoá học chín ngày tôi tìm cho mình một điểm luyện công vào buổi chiều. Tôi cũng được hướng dẫn là đọc sách Chuyển Pháp Luân xong thì đọc Tinh Tấn Yếu Chỉ I, II và III. nhưng tôi ngộ rằng điều gì Sư phụ giảng ra trước hay sau đều là có an bài chi tiết nên tôi đọc kinh văn theo thứ tự được công bố trên Minh Huệ. Lúc đó tôi với tâm hoan hỷ đã hồng Pháp cho rất nhiều người, mỗi ngày đi luyện công tôi lại đưa theo một người. Khi được mọi người khen tôi lại nổi tâm hoan hỉ mà không nhận ra được điều gì đang chờ đợi mình phía trước. Tuy đang làm chủ một công ty và có doanh số khá ổn nhưng tôi lại bắt đầu chán nản với công việc và muốn mở một công ty mới về truyền thông để làm việc Đại Pháp. Tôi thường xuyên rời chỗ làm sớm và không quan tâm gì đến nhân viên ở công ty. Nhưng lúc đó công ty vẫn làm ăn tốt nên bản thân tôi lại càng chủ quan. Tôi còn lôi kéo các bạn mới đắc Pháp cùng đi liên lạc với các đồng tu ở nước ngoài để làm hạng mục bên truyền thông. Không ngờ là các đồng tu nước ngoài cũng đồng ý phối hợp làm tôi càng tin rằng mình đắc Pháp lúc này là có lý do, mình thật có bản sự. 

Thế rồi không lâu sau đó, vì những tâm chấp trước chưa bỏ được, ví dụ như tôi rất dễ nóng giận, vẫn còn rất ham vui muốn đi chơi cùng bạn bè, hay tâm sắc dục cứ len lỏi khiến tôi cảm thấy mình thật dơ bẩn, tôi dần dần buông lơi việc học Pháp và luyện công dù cho trước đó rất siêng năng. Có những ngày tôi chỉ ngồi mà không học được gì cả vì tôi không thực sự hiểu từ lý tính vì sao phải học Pháp nên tâm trạng không khởi lên được. Rồi những người tôi giới thiệu thì dần dần bỏ tu luyện vì nhiều lý do khác nhau. Có người gặp khó khăn cần giúp đỡ nhưng chính tôi cũng không biết giải quyết điều đó như thế nào để chia sẻ với họ. Tôi đọc đến kinh văn “Giảng Pháp tại Pháp Hội quốc tế Washington DC năm 2001” thì dừng lại, không thể đọc tiếp nữa mà chỉ muốn dồn sức đi làm hạng mục ở nước ngoài. 

Kết quả là không chỉ những thứ tôi làm ra đều không thể dùng được mà tôi còn ảnh hưởng đến người khác. Công việc ở người thường thì gặp rắc rối liên tục, tôi đứng trước nguy cơ phải phá sản công ty. Các mối quan hệ trong đời sống cũng trở nên căng thẳng vì tôi không biết cân bằng việc tu luyện và cuộc sống. Mọi thứ dường như sụp đổ, tôi cảm tưởng mình không còn là người tu luyện nữa. Dù cho ai nhìn vào cũng thấy tôi có vẻ rất tinh tấn. Giờ hồi tưởng lại mà tôi cảm thấy tự xấu hổ vì điều này. 

Nhưng trong tôi lúc đó vẫn luôn có một niệm muốn tu luyện đến cùng, và rồi Sư phụ từ bi an bài cho tôi gặp những đồng tu đang có trạng thái tu luyện tốt hơn tôi. Khi đó không hiểu vì sao tôi lại rất chân thành kể hết mọi việc, cũng như tình trạng tu luyện của mình. Tôi cứ tưởng sẽ không được gì nhiều, vì lúc đó tôi chỉ đơn giản là cần kể ra cho nhẹ lòng. 

Sau đó tôi được nghe chia sẻ rất thiết thực và được hướng dẫn học Pháp với một tâm thái đúng đắn, được tham gia học Pháp chung với mọi người. Lúc đó mỗi ngày tôi tự luyện năm bài công Pháp, học hai bài giảng trong sách Chuyển Pháp Luân, và đọc 50 trang kinh văn. So với các đồng tu khác thì đây là việc bình thường nhưng lúc đó tôi như bị bội thực, áp lực khủng khiếp. Chưa kể đến tôi phải nỗ lực làm việc nhiều hơn, trân quý từng đồng vốn và phải chính lại các mối quan hệ của mình nữa. Thế nhưng trong lòng tôi thực sự cảm thấy rất hạnh phúc.

Tôi nhận ra chỉ cần mình dám bỏ đi các tâm chấp trước, dù là chỉ làm được ở bề mặt thôi, thì cũng đã có tác dụng, vì thật sự là phần gốc là Sư phụ đã loại bỏ giúp chúng ta từ lâu rồi, chỉ cần tâm tính đề cao thì chân tướng của mọi việc sẽ triển hiện. Tôi càng thấm hơn câu Pháp mà Sư phụ giảng, “Tu tại tự kỷ, công tại Sư phụ” (Bài giảng thứ nhất, Chuyển Pháp Luân)

Khi tôi để tâm học Pháp và hoàn thành xong kinh văn cũng như tham gia học Pháp chung để được chia sẻ, tôi dần dần hiểu ra tu luyện là gì. Từ đó tôi bắt đầu đi chính lại từng vấn đề trong cuộc sống của mình.

Tôi tìm lại được các đồng tu và hỗ trợ họ một chút. Nhờ sự từ bi của Sư phụ nên có vài người trong họ đã tiếp tục tu luyện. Tôi bắt đầu đặt tâm vào công việc đời thường, kiên trì làm từng việc dù là nhỏ nhất nhưng luôn dồn tâm huyết cao nhất. Để làm một người tu luyện chân chính thì ít nhất phải làm người tốt, trong công việc cũng phải tận tâm trước đã. Kết quả là công việc dần dần ổn định lại. Còn đối với các mối quan hệ xung quanh tôi cũng biết ứng xử sao cho đúng và tự an bài sao cho phù hợp nhất. Tôi cũng bắt đầu tham gia các hạng mục tại địa phương, học cách phối hợp với chỉnh thể và biết cách đặt mình phía dưới tất cả mà phối hợp vô điều kiện. Tôi bước ra khỏi trạng thái tiêu trầm một cách tự nhiên mà không hay biết. 

Lúc này tôi thực sự thấy mình là “Sinh mệnh hạnh phúc nhất thế gian” vì đã là một đệ tử Đại Pháp chân chính.

Tôi nhận ra rằng, muốn hoàn thành thệ ước của mình hay làm điều gì to lớn thì phải nỗ lực lấy tu luyện cá nhân làm gốc. Nếu không đảm bảo được điều này thì chúng ta đang rất gần với nguy hiểm.

  1. Đột phá hơn nữa trong tu luyện cá nhân

Có một đoạn thời gian tôi học Pháp lại dễ bị mất tập trung, thậm chí diễn ra tình trạng buồn ngủ. Có lúc cầm sách lên là thấy áp lực, khi học Pháp công việc thường xuất hiện trong đầu. Tôi thấy mình không những học cũng như chưa học mà còn phạm lỗi bất kính với Đại Pháp khiến tôi vô cùng khổ tâm. Đồng thời các chủng tâm chấp trước tưởng chừng đã bỏ được nay lại xuất hiện, có lúc còn mạnh mẽ hơn xưa. 

Dẫu biết rằng các tâm chấp trước sẽ từng lớp, từng lớp được loại bỏ đi chứ không được loại bỏ hết ngay lập tức, nhưng khi hướng nội sâu thêm tôi nhận thấy vấn đề gốc rễ của tôi vẫn chưa được giải quyết.

Có đồng tu chia sẻ rằng người nào đó thấy tôi có quá nhiều quan niệm, nhiều quy tắc và rất cầu toàn. Việc nào tôi cũng muốn làm hoàn hảo, từ tu luyện cho tới công việc, hễ lệch một chút không như ý là không chịu được. Hóa ra tôi vẫn đang một tay nắm Phật, còn tay kia nắm những thứ của người thường, giống như hai người tín Phật trong bài “Kim Phật”.

Cuối cùng tôi cũng tìm được vấn đề căn bản, nhưng chưa biết cách để vượt qua nên tôi quyết tâm học Pháp nhiều hơn để đột phá quan này. Gần đây Sư phụ đã triển hiện cho tôi Pháp lý khi đọc lời Sư phụ giảng trong “Giảng Pháp tại Pháp hội Houston [1996]”,

“Tôi bảo chư vị rằng, con người sống trên đời thì thông thường không phải là chính mình đang suy nghĩ, không phải chính mình đang sống. Chư vị xem con người ngày nay, bất kể là người của quốc gia nào, mỗi ngày vội vội vàng vàng, họ sống như thế nào? Tôi bảo mọi người, có người thì có một nửa không phải là chính họ đang sống, thậm chí có người mà toàn bộ đều không phải là chính họ đang sống.”

“Không phải là chính họ đang sống” – đọc đến đây tôi giật mình, vì nhận ra vấn đề với mình thực sự nghiêm trọng. Trước khi tu luyện tôi đọc rất nhiều sách, đầu óc hình thành nhiều chủng quan niệm và kinh nghiệm sống. Nhờ những quan niệm, những kinh nghiệm này mà tôi có cuộc sống tốt ở người thường, nên trong tâm luôn cho rằng đó là đúng. Đối với những kinh nghiệm xấu thì thời gian đầu khi tu luyện rất dễ dàng nhận ra. Nhưng tôi không thể nhận ra những quan niệm chưa phù hợp với Pháp. Những nhận thức nông cạn về Pháp lý cũng gây nhiều cản trở không đáng có.

Ví dụ như tôi có quan niệm là học Pháp phải yên tĩnh, tâm trạng vui vẻ, tôi luyện công phải luyện buổi sáng sớm mới dễ nhập tĩnh, hay khi góp ý với đồng tu thì phải Thiện, phải tốt hơn họ mới dám chia sẻ. 

Thế nhưng vì tôi truy cầu học Pháp phải tĩnh, thoải mái nên trong một ngày nhiều khi đến tối muộn mới có thời gian học Pháp, lúc này lại buồn ngủ và không thể tập trung. Mà không học được Pháp thì tôi lại thấy khó chịu, nằm xuống không ngủ được, đến sáng đi luyện công trễ hoặc luyện công rất buồn ngủ, bị mê mờ. Càng mê mờ lại càng cố truy cầu nhập tĩnh bằng cách nhắm cứng mắt lại, kết quả là muốn mở mắt ra để luyện cũng rất vất vả. Làm một người tu luyện mà việc học Pháp luyện công không đảm bảo thì chắc chắc tôi không đề cao được gì hết.

 Còn trong phối hợp thì lúc đầu tôi rất ôn hòa nhưng đó là sự ôn hoà bề mặt, khi thực sự có vấn đề thì phát hoả, nói lời đầy sát khí với đồng tu. Sư phụ giảng,

“Công mà chư vị mang theo so với tâm tính của chư vị không tương ứng. Hiện tại chư vị tạm thời [có] công cao hơn; giúp chư vị lập tức nâng cao lên; [tôi] hiện nay đang đề cao tâm tính của chư vị.” (Bài giảng thứ sáu, Chuyển Pháp Luân)

Tôi ngộ ra rằng đó là vì khi bước vào tu luyện tôi đã được đẩy lên tầng rất cao, vì không tận dụng tốt thời cơ để tu luyện mà buông lơi trong giai đoạn đầu nên tâm tính tôi dần dần rớt xuống. Vì không nắm được nội hàm thâm sâu của Pháp qua việc tự nỗ lực học tập nên tôi dần hướng ngoại mà cầu. Tôi tu theo đồng tu, đọc Minh Huệ còn nhiều hơn học Pháp, không biết cách tự hướng nội, nên dần dần tôi bị các chủng quan niệm phong bế trí huệ.

Tôi ngộ ra chúng ta chỉ cần không để tâm vào bề mặt mà chiểu theo Pháp lý, nắm được vấn đề cốt lõi, không bị giả tướng hay các quan niệm hậu thiên ràng buộc thì ngay lập tức có thể đột phá được hoàn cảnh. Bởi vì bộ Pháp chúng ta đang học là vĩ đại nhất, không gì là không thể siêu xuất. Tôi ngay lập tức điều chỉnh lại mọi thứ.

Với học Pháp thì tôi dùng tinh lực đặt vào việc học Pháp, học Pháp thì phải đắc được Pháp. Vậy là đủ! Những điều như: mỗi ngày phải học ít nhất một bài, khi học phải ngồi song bàn, không gian cần yên tĩnh, v.v., nhìn có vẻ đúng nhưng thực ra tất cả đều là quan niệm, dẫu làm được tốt các điều trên mà tâm không đặt vào việc học Pháp thì cũng là học Pháp hình thức. Sư Tôn chỉ nhìn cái tâm và an bài hoàn cảnh cho chúng ta. 

Kết quả khi tôi chính lại nhân tâm thì học Pháp ngộ được nhiều hơn, thời gian học tăng lên mà không bị can nhiễu. Không còn khó chịu, bức bối, hay cảm thấy áp lực khi phải hoàn thành việc học Pháp mỗi ngày.

Với luyện công tôi dùng chính niệm mạnh mẽ mà đối diện cơn buồn ngủ, không để bị mê mờ đi mất mà cấp những thứ tốt cho người khác. Nếu tôi dậy trễ thì cũng không ân hận hay tự trách mình nữa, mà bình tĩnh bù đắp lại bằng cách tìm thời gian thích hợp trong ngày mà luyện công bù, không để chủng quan niệm kia kích động cái tâm chấp trước lên. Dần dần tôi có thể luyện công nhập tĩnh một cách tự nhiên, ít bị tạp niệm. 

Đối với phối hợp chỉnh thể và làm hạng mục, mỗi lần muốn làm gì hay gặp quan tôi đều ngồi hướng nội sâu hơn xem mình có làm đúng hay chưa? Lời tôi nói có gây tổn thương cho ai không? Tôi đã đặt mình vào vị trí của đồng tu mà viên dung chưa? Hay tôi đang dùng tiêu chuẩn của cá nhân mình mà phán xét mà yêu cầu họ. Làm được đến đó tự nhiên tâm tôi bình lặng lại, tràn ngập trường hoà ái từ bi của một người tu luyện. 

Tu luyện là quá trình liên tục không ngừng nghỉ. Để gia cường chủ ý thức của mình, tôi nhẩm thuộc câu Pháp,

“Như vậy làm một người luyện công, một người siêu thường, thì không thể dùng cái [đạo] lý ấy để nhận định được, cần đột phá điều này.” (Bài giảng thứ sáu, Chuyển Pháp Luân)

Tôi cảm nhận được thời gian càng ngày càng gấp rút nên tự ý thức mình phải mau chóng nỗ lực nhiều hơn nữa để theo kịp tiến trình Chính Pháp. Mỗi tầng đều có những yêu cầu khác nhau, nếu chúng ta mãi ôm giữ các chủng quan niệm sinh ra trong quá trình tu luyện thì sẽ rất khó đề cao thêm nữa. Chỉ có thể thực sự bỏ công phu vào học Pháp và tu luyện cá nhân, bỏ đi những quan niệm hậu thiên thì mới đề cao được và không phụ công ơn của Sư phụ. Đó cũng là nền tảng vững chắc để bước ra hoàn thành thệ ước của chính mình. 

Những chia sẻ trên là tầng thứ tu luyện của cá nhân tôi. Còn điều gì chưa phù hợp với Pháp mong các đồng tu từ bi chỉ rõ. 

Tạ ơn Sư phụ

Cảm ơn các đồng tu đã lắng nghe!

Hợp thập!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Announcement: Falun Gong Teacher Publishes "How Humankind Came To Be"

X
Facebook
YouTube
Instagram